<p>Ngày trước, luật lệ hộ tịch không bắt buộc phải khai sinh cho con ít ngày sau khi đứa bé ra đời, vì vậy không ai vội gì đặt tên cho con ngay và cứ quen gọi tạm bằng tên xấu xí thông thường: thằng cu, thằng cò, cái đĩ, cái hĩm, cũng là có dụng ý để cho dễ lẫn lộn, không có gì đặc sắc đẹp đẽ quý báu khiến tà ma dòm ngó quấy nhiễu và cũng là để tránh người ta quở quang” (Đặt tên).</p>
<p>“Từ thời Hùng Vương, ta có tục châm trổ hình vẽ trên mình những hình quái vật dưới nước, để làm nghề đánh cá khi bơi lội khỏi bị nạn giao long cắn hại” (Xăm mình). Nước mắm là gia vị chính yếu thì ở các tỉnh dọc theo miền duyên hải người ta làm bằng cá biển; những thức ăn luộc như thịt gà, vịt, heo và rau đậu, đều chấm nước mắm, các món xào nấu kho đều phải tra nước mắm mới ngon, khắp nước ta từ trẻ đến già không một người nào mà không biết ăn nước mắm và không bữa ăn nào là không có nước mắm, nếu không ăn chay (Mắm).</p>
<p>“Hẳn không một ai lạ gì hai tiếng gia đình. Đơn thuần là một vợ một chồng sống chung trong một nếp nhà với những người con thường chưa đến tuổi trưởng thành. Nhiều người còn có cha mẹ (cũng gọi là bố mẹ) ở chung. Cũng có những gia đình trên cha mẹ lại còn ông bà, kể đến hàng con là bốn đời. Đặc biệt nữa là những gia đình còn có hàng cụ (sinh ra ông bà) kể đến hàng con ở cuối cùng là năm đời. Những trường hợp ít có này được coi là phúc đức lắm, không dễ gì mà được, khác hơn giàu sang có nhiều người được, cho nên thường được mọi người trầm trồ khen ngợi, đồn đại xa gần: Ngũ đại đồng đường (năm đời cùng nhà)” (Gia tộc).</p>
<p>Tộc phả là quyển sổ biên tên từ ông thủy tổ trở xuống lần lượt theo thế thứ tất cả những ngành trong họ đến đời dưới chót. Gia phả là quyển sổ chép các thế hệ của từng nhà; nói vậy không phải nhà nào cũng đều có gia phả. Nhà năm bảy anh em trai thì thường thường chỉ có người anh trưởng lo việc chép kế tiếp vào gia phả của cha để lại. Những người em có học hay có tiền của thì tự làm lấy hay nhờ người sao chép gia phả kia để giữ riêng (Tộc phả, gia phả).</p>